Dạy con biết chia sẻ và yêu thương

Lượt xem:


Với trẻ ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp khác nhau để nuôi dưỡng lòng yêu thương con người và thế giới xung quanh ở trẻ.

 

1. Trẻ mới sinh và chập chững biết đi
Với trẻ mới sinh, cách tốt nhất để dạy trẻ biết yêu thương chính là dành cho trẻ tình yêu thương vô bờ bến của bạn. Theo bác sĩ Elizabeth Berger, chuyên gia về tâm thần học trẻ em thì trẻ cần phải cảm nhận được sự chăm sóc và yêu thương dành cho mình trước khi trẻ có thể chăm sóc và yêu thương người khác. Thật ra rất khó để xác định một thời điểm cụ thể mà tình yêu thương ở trẻ bắt đầu hình thành và phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một em bé 6 tháng tuổi đã biểu lộ cảm xúc của mình trước tâm trạng của người khác. Bé có thể khóc khi thấy giọng nói giận dữ của bạn và cười khúc khích khi thấy bạn mỉm cười và vui vẻ.

 

Khi chập chững biết đi, trẻ bắt đầu phản ứng lại với những cảm xúc này. Bạn có thể thấy một em bé 2 tuổi cho ăn hoặc dỗ dành một con búp bê. Những hành động này đúng là bắt chước từ người lớn nhưng đồng thời đó cũng chính là dấu hiệu cho thấy sự thấu cảm bắt đầu hình thành ở trẻ.
Để khuyến khích lòng yêu thương ở trẻ, cha mẹ hãy khen ngợi những thành tựu nho nhỏ về lòng tốt mà trẻ đã thể hiện và có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để nuôi dưỡng tình yêu thương ở trẻ:
Đưa trẻ đi cùng: Cô Meredith Broussard đến từ Philadelphia (Mỹ) thường xuyên đưa cậu con trai 20 tháng tuổi của mình đến thăm một người bạn ở cộng đồng hưu trí. “Cậu bé thích chạy nhảy xung quanh và chào hỏi mọi người. Điều đó khiến tất cả có một ngày thật vui và hạnh phúc”, cô Broussard chia sẻ. Cha mẹ cũng có thể đưa bé đến thăm một người quen bị ốm hoặc là thể hiện sự ân cần và tử tế với mọi người xung quanh, ví dụ như chào hỏi hàng xóm, hoặc nói lời cảm ơn với người đưa thư, đưa báo… Những điều này sẽ góp phần hình thành ở bé sự quan tâm và yêu thương người khác.
Để trẻ giúp sức: Với những công việc nho nhỏ như chọn thiệp hay hoa, cha mẹ hãy nhờ trẻ chọn giúp. Trẻ sẽ rất thích thú khi được giúp đỡ bạn và cũng sẽ sớm học được rằng mình đang giúp đỡ người khác.

 

2. Trẻ ở tuổi mẫu giáo
Trẻ ở độ tuổi này khá nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ xem những chương trình tivi hoặc đọc cho trẻ nghe những câu chuyện ca ngợi sự quan tâm và yêu thương người khác. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy thể hiện tình yêu thương của mình bằng lời nói và cử chỉ trước mặt trẻ.
Đây cũng là độ tuổi mà trẻ bắt đầu tự lập hơn và khả năng thấu cảm cũng bắt đầu phát triển. Con bạn đã đủ lớn để nhận biết cảm xúc của người khác và có thể rất quan tâm đến những rắc rối của mọi người xung quanh. Chính vì thế, cha mẹ cần phải giúp con hiểu được điều con cần làm.
Bắt đầu với môi trường sống xung quanh: Theo bác sĩ Berger thì thế giới của một đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo khá nhỏ bé. Chính vì thế, tốt nhất là cha mẹ nên khuyến khích con giúp đỡ những người xung quanh mà con biết, ví dụ như sang thăm và tặng quà cho một người hàng xóm bị ốm hoặc giúp quét lá trong sân cho một ông/bà già sống cạnh nhà. Khi bé tập vẽ, cha mẹ có thể khuyến khích bé tặng các tác phẩm của mình cho những người xung quanh.
Sau đó tiến ra môi trường rộng hơn: Sau khi giúp đỡ những người mà trẻ biết thì bước tiếp theo là khuyến khích trẻ giúp đỡ các bạn bè cùng lứa tuổi gặp hoàn cảnh khó khăn, ví dụ như những em bé mồ côi không nơi nương tựa. Cha mẹ thi thoảng hãy đưa trẻ đến các trại trẻ mồ côi và khuyến khích trẻ tặng quà cho những em bé thiệt thòi này.

 

3. Trẻ ở cấp tiểu học
Ở trường học, hàng ngày con bạn có cơ hội chứng kiến lòng tốt (và ngược lại) của mọi người và đây chính là thời điểm quan trọng để củng cố và giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của việc quan tâm đến cảm xúc của người khác. Cha mẹ hãy nuôi dưỡng tình yêu thương ở trẻ bằng những biện pháp sau:
Để trẻ tham gia vào việc của người lớn theo sức mình: Nếu cha mẹ thường xuyên tham gia vào các chương trình từ thiện, ví dụ như đến chăm sóc hoặc dạy học cho các bé ở trại trẻ mồ côi, thì hãy cho trẻ đi cùng. Tại đó, bạn có thể chia nhỏ những việc cần làm ra và để trẻ làm giúp những việc phù hợp với khả năng của trẻ.
Để trẻ chịu trách nhiệm: Cả gia đình hãy cùng nhau bàn về những thứ muốn dành để quyên góp và nơi sẽ quyên góp. Sau đó, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chọn quần áo hoặc đồ chơi cũ của trẻ để quyên góp.


4. Trẻ chưa đến tuổi vị thành niên (dưới 13 tuổi)

Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu có thể thực sự hiểu được giá trị của tình yêu thương và quan tâm người khác. Trẻ cảm thấy vui khi làm việc tốt cho người khác. Và cha mẹ cũng đừng quên dành cho trẻ những lời khen ngợi trước những việc tốt trẻ làm được và nhắc nhở trẻ những điều trẻ nên nói và làm.
Khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ: Trong sinh nhật lần thứ 9 của mình, bé Naomi, con gái cô Palmatier muốn giúp đỡ những người nghèo tại Mexico (quê hương cha cô bé). “Con bé nảy ra ý định này và chúng tôi giúp cháu tổ chức một bữa tiệc sinh nhật mang chủ đề Mexico”, mẹ cô bé chia sẻ. Họ đã liên hệ với một tổ chức liên quan và tại đây, người ta khuyến khích các vị khách quyên góp vitamin và quà cho trẻ em nghèo tại Mexico. Tương tự như thế, nếu con bạn yêu thích động vật thì hãy để cô bé/cậu bé nuôi và chăm sóc chúng. Còn nếu các em thích ca hát thì cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con phát huy sở trường của mình.
Cùng tham gia: Cùng làm gì đó với con là một trong những cách tốt nhất mà cha mẹ nên thực hiện để tăng cường sự gắn bó với trẻ trong độ tuổi này. Đây cũng chính là những cơ hội tốt để cha mẹ hiểu và gần gũi hơn với con mình. Ví dụ, bạn có thể cùng con đọc và trò chuyện về một bài báo nói về bạo lực gia đình đối với trẻ em và qua đó truyền tải đến trẻ những thông điệp về tình yêu thương. Điều này có thể mang lại nhiều hiệu quả hơn đối với quá trình hình thành lòng yêu thương và quan tâm tới người khác của trẻ.